2004 – Bắt đầu từ cấp thôn bản
Trung tâm hỗ trợ năng lực và hợp tác cộng đồng (ACEP) thực hiện một dự án phát triển cộng đồng nhằm giúp nông dân trồng cà phê ở xã Hướng phùng, huyện Hướng hoá tỉnh Quảng trị.
Mục tiêu của dự án là cải thiện điều kiện sống của người nông dân trồng cà phê trong xã, một số hoạt động được thực hiện bao gồm: xây dựng phòng học mần non, hỗ trợ dụng cụ học tập, đồ chơi; cải thiện điều kiện vệ sinh, nước sinh hoạt, và cải thiện điều kiện đường xá liên thôn.
Qua các dự án và các hoạt động hỗ trợ ở địa phương, ACEP có hiểu biết sâu sắc và đánh giá được nhu cầu của người dân trồng cà phê trong khu vực và những khó khăn họ gặp phải trong việc bán sản phẩm.
2005 – Xây dựng năng lực
ACEP thực hiện một nghiên cứu đánh giá dự án công tư hợp doanh để phát triển cà phê bền vững tại Quảng trị. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người nông dân địa phương có đủ năng lực để sản xuất cà phê có chất lượng cao hơn so với thực tế họ đang sản xuất. Điều này cũng có nghĩa là nguyên nhân phát triển cà phê chưa bền vững không phải do thiếu kiến thức trồng trọt, chế biến mà là do cách tổ chức các hoạt động thương mại.
2006 – Chuẩn bị nâng cao chất lượng sản phẩm
Nông dân trồng cà phê tại Khe sanh đã gặp phải những vấn đề về chất lượng cà phê quả tươi trong niên vụ 2006-07. Trong thời gian này các công ty thu mua cà phê quả tươi đã chấp nhận mua cà phê có chất lượng thấp, cà phê lẫn xanh và chín, cà phê được ngâm nước cho nặng cân. Chất lượng sản phẩm ra thị trường vì thế ở mức rất thấp.
Cùng với những hoạt động hỗ trợ phát triển đang thực hiện trên địa bàn, ACEP nhận thấy chất lượng cà phê vào chuỗi giá trị là vấn đề cần được xem xét. Cuối năm 2006 ACEP đã xây dựng đề cương dự án can thiệp giúp nông dân trồng cà phê cải thiện chất lượng sản phẩm
2007 – Nâng cao chất lượng sản phẩm
Tài trợ bởi quỹ Ford tại Việt nam, ACEP thực hiện giai đoạn 1 của dự án giúp nông dân Hướng hoá tạo sản phẩm mới. Mục tiêu của dự án là giúp nông dân sản xuất ra cà phê thóc có chất lượng tốt để tiếp cận thị trường mới. Dự án đã thực hiện các hoạt động tổ chức nhóm nông dân, hỗ trợ đào tạo và áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đầu tư máy móc thiết bị chế biến và thực hiện hoạt động chế biến cà phê chất lượng cao.
2008 – Nâng cao năng lực sản xuất
7 nhóm sản xuất cà phê Quảng trị đã được thành lập tại 7 thôn thuộc xã Hướng phùng, sau này trở thành hợp tác xã, để tổ chức sản xuất cà phê GAP. ACEP với vai trò đại diện cho các nhóm đã gửi đơn đề nghị UTZ thực hiện đánh giá và cấp chứng nhận cho sản phẩm của các nhóm này.
2009 – Đạt chứng nhận UTZ
Nhóm hợp tác xã Khe sanh gồm 125 hộ gia đình đã được UTZ cấp chứng nhận thực hành phát triển cà phê bền vững. Văn bản chứng nhận đã xác định nhóm hợp tác xã có 180 ha thực hành nông nghiệp tốt tạo ra 200 tấn cà phê nhân vào niên vụ 2008-09. Nhưng những khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu đã khiến toàn bộ số cà phê của nhóm phải bán nội địa.
Nhận thấy rằng cà phê Khe sanh cần một thị trường khác để phát triển thương hiệu và xây dựng uy tín, Oriberry đã mở cửa hàng đầu tiên ở khu vực phố cổ Hà nội. Cửa hàng này là điểm liên kết trực tiếp từ nông dân tới khách hàng. Những sản phẩm thủ công khác cũng được bày bán vào thời điểm ban đầu nhằm thu hút khách du lịch tới thăm.
2010 – Tìm kiếm thị trường mới
Năm 2010 hợp tác xã sản phẩm bản địa Khe sanh chính thức được thành lập như một phần trong hoạt động của giai đoạn 2 dự án ACEP triển khai với tài trợ của quỹ Ford. Hợp tác xã là tập hợp của một nhóm nông dân cam kết hợp tác chặt chẽ để duy trì việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng như những niên vụ trước.
Thất bại trong việc tìm kiếm được người mua, hay hưởng được những lợi thế nhất định từ các chương trình chứng nhận, ACEP đã thúc đẩy xây dựng Oriberry. Với những hỗ trợ ban đầu từ ACEP, Oriberry đã được xây dựng với sự tư vấn, giúp đỡ của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cà phê ở Việt nam
Cũng trong năm đó, dự án ACEP triển khai tại Thái nguyên phát hiện nhóm nông dân trồng chè thuộc hợp tác xã Minh Lập gặp khó khăn về đầu ra mặc dù đã sản xuất theo quy trình và được đăng ký VietGAP. Oriberry bắt đầu giới thiệu sản phẩm chè Thái nguyên qua cửa hàng bán lẻ.
2011 – Duy trì áp dụng thực hành nông nghiệp tốt
Oriberry đã có những bước tiến bộ nhất định, danh mục sản phẩm đã bao gồm thêm những sản phẩm cà phê và trà từ nhiều vùng khác nhau ở Việt nam. Những người nông dân áp dụng thực hành nông nghiệp tốt cũng mong muốn phát triển được thị trường để có được thu nhập tốt hơn.
Oriberry mở cửa hàng thứ hai tại phố Mã Mây Hà nội. Cửa hàng có diện tích nhỏ được làm theo hình thức phục vụ cà phê mang đi với hy vọng có thể tiếp cận được nhóm khách hàng người nước ngoài tới thăm Việt nam.
2012 – Mở cửa hàng cà phê tại khu vực Hồ Tây
Oriberry mở thêm cửa hàng tại phố Xuân diệu, Tây Hồ. Quán cà phê có hai tầng và phục vụ cà phê theo phong cách châu Âu. Thực đơn gồm cả đồ uống trái cây và thức ăn nhanh. Tầng 2 của cửa hàng mang tới cho khách hàng một góc nhìn rộng và đẹp cảnh Hồ Tây.
Oriberry đóng cửa hàng tại Mã mây do thất bại trong việc duy trì tính hiệu quả và khả năng xây dựng thương hiệu
2013 – Nâng cao tính bền vững của chuỗi cung cấp
Trong lúc bộ phận bán hàng phát triển thị trường bán buôn, bộ phận sản xuất của Oriberry đã cố gắng làm việc nhiều hơn với nông dân ở các vùng để cải thiện kỹ thuật canh tác, chế biến.
Không giống mô hình tại Quảng trị, ở Điện biên, Sơn la và Lâm đồng, chúng tôi có cơ hội làm việc với nhóm nông dân nhỏ hơn, và những hộ gia đình nông dân đơn lẻ. Cách làm này cho phép chúng tôi xây dựng thêm mô hình “từ nông dân tới khách hàng” ở quy mô nhỏ phù hợp với năng lực của Oriberry. Những nông dân/người sản xuất tại Quảng trị đã được mời thăm và chia sẻ kinh nghiệm làm việc với nhóm nông dân ở các vùng này.
2014 – Cải thiện sản phẩm và dịch vụ
Ở khâu sơ chế, bên cạnh việc hợp đồng trực tiếp với nông dân, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, Oriberry đã thử nghiệm phát triển giống cà phê Typica từ Đà lạt sang các vùng khác và làm việc thêm với các hộ gia đình nông dân trồng cà phê ở Đắk lắk, nơi chủ yếu trồng cà phê Robusta.
Oriberry đồng thời nâng cao chất lượng sản xuất và dịch vụ thông qua việc mua thêm máy rang cà phê công nghệ mới, cải tạo lại hai cửa hàng, xây dựng bộ quy tắc thực hành tiêu chuẩn áp dụng cho dịch vụ. Cũng trong năm này, Oriberry tổ chức hoặc tham gia nhiều hơn các dịch vụ có định hướng xã hội như tổ chức các khoá tập huấn barista cho cả trẻ em đường phố, tham dự 7 triển lãm và hội chợ từ thiện, tổ chức tour du lịch hái cà phê…