Cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng nên được tạo ra một cách bình đẳng với tất cả mọi người
Mỗi ngày thế giới tiêu thụ khoảng 2 tỷ cốc cà phê. Điều này khiến cà phê trở thành một trong những ngành hàng có mức giao dịch lớn nhất và liên quan tới nhiều người nhất. Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) tới tháng 5, năm 2007 có 77 thành viên, 45 trong số đó là các nước xuất khẩu, 32 nước nhập khẩu chủ yếu là các nước phát triển.
Cà phê mọc ở Phương Nam nhưng hương vị và cách thưởng thức lại bắt đầu từ Phương Bắc. Nông dân ở các nước xuất khẩu trồng cà phê và bán cho các nhà máy lớn. Cà phê nhân được đóng trong các bao 60kg để xuất khẩu. Năm 2011, các quốc gia sản xuất cà phê đã xuất khẩu 131 triệu bao (7,8 triệu tấn) cà phê nhân. Sau đó chúng được chuyển tới các nhà rang xay lớn để tạo ra những sản phẩm cà phê rang, cà phê bột, cà phê hoà tan mang các thương hiệu nổi tiếng. Những sản phẩm này qua các kênh phân phối như siêu thị, kênh bán hàng qua mạng hoặc cửa hàng bán lẻ rồi tới tay khách hàng. Thường thì khách hàng không biết cà phê họ mua được sản xuất ở vùng nào và người nông dân ở các khu vực đó thường có rất ít cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị ngoại trừ việc bán cà phê quả tươi.
Cà phê chuyên vùng tạo ra cơ hội để người sản xuất tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị thông qua phương pháp tiếp cận có trách nhiệm và có khả năng truy nguyên. Khi sản xuất cà phê chuyên vùng, khách hàng có thể tìm hiểu về nơi sản xuất. Nông dân có cơ hội được thị trường biết tới và điều đó giúp họ xây dựng năng lực, sự tự tin để phát triển sản phẩm mang thương hiệu của họ. Trong khi đó những nhà rang xay vẫn có cơ hội để tạo ra sản phẩm giá trị của riêng họ bằng nâng cao công nghệ, kỹ năng phối trộn cà phê các vùng mang dấu ấn của nhà rang xay vào thương hiệu của họ. Tất cả những điều này sẽ làm cuộc sống của những người tham gia trong chuỗi tốt hơn, công bằng và có trách nhiệm hơn.