Vùng sản xuất
Các vùng trồng cà phê ở Việt nam
Việt nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới và là nước đứng đầu về xuất khẩu cà phê Robusta. Bốn tỉnh trồng nhiều cà phê Robusta nhất gồm có Đăklăk, Lâm đồng, Gia lai và Đăk nông với diện tích khoảng 90% tổng diện tích cà phê cả nước - hiện tại khoảng 550,000ha. Trên thị trường thế giới, cà phê Robusta thường có giá bằng một nửa giá cà phê Arabica. Các giống cà phê Arabica khác nhau chiếm khoảng 10% tổng diện tích trồng cà phê cả nước.
Cà phê chè Arabica, chủ yếu là Catimor được trồng ở các tỉnh có độ cao lớn gồm Điện biên, Sơn la, Quảng trị, Lâm đồng và Kon tum. Không giống Robusta chủ yếu được trồng ở khu vực vĩ độ và độ cao thấp so với mực nước biển, cà phê chè Arabica được trồng nhiều ở vùng cận nhiệt đới và khu vực xích đạo với độ cao trên 600m so với mực nước biển. Ở nhiều khu vực miền núi từ Bắc tới Nam, cà phê chè Arabica là nguồn thu nhập chính của hàng chục ngàn hộ gia đình người dân tộc thiểu số, Thái ở Điện biên, Sơn la; Vân kiều ở Quảng trị; K'ho ở Lâm Đồng; Xơ đăng ở Kontum... Mặc dầu giá cà phê Arabica thường cao hơn nhưng do năng suất chỉ bằng 1/3 cà phê Robusta khiến tổng thu nhập từ cà phê Arabica thấp hơn. Kết quả là ở nhiều khu vực trồng cà phê chè Arabica, người dân vẫn đang sống trong điều kiện nghèo khổ.
Vùng sản xuất cà phê Oriberry
Cà phê Oriberry chủ yếu được trồng ở vùng sâu, vùng xa, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Ở Điện biên, Oriberry làm việc với nông dân huyện Mường Ảng và đồng bào dân tộc Thái ở xã Mường Phăng. Trong khi Mường Ảng có khoảng 20 năm kinh nghiệm trong sản xuất cà phê, xã Mường phăng là một vùng hoàn toàn mới và cây cà phê mới được trồng khoảng 5 năm trở lại đây. Ngay sát Điện biên, chúng tôi làm việc với nhóm nông dân người Thái ở Bản Chiềng Sinh thành phố Sơn la. Cà phê ở vùng này mang theo hương vị của miền núi phía Bắc.
Ở khu vực miền Trung, Oriberry làm việc với nhóm dân tộc Vân kiều tỉnh Quảng trị, nơi có điều kiện sản xuất khó khăn nhất trong các vùng cà phê ở Việt nam nhưng cũng là nơi đóng góp phần sản lượng lớn nhất cho cà phê Oriberry. Cà phê Arabica chế biến ướt ở Quảng trị mang hương thơm ngậy của các loại hạt nhiều dầu và ngọt của caramel, rất thích hợp để pha cà phê Espresso. Nhà máy chế biến cà phê Oriberry ở Quảng trị đạt chứng nhận UTZ năm 2008 cho diện tích sản xuất 180ha với sản lượng hàng năm 200 tấn.
Đi sâu hơn về phía Nam, Oriberry làm việc với nhóm nông dân người K'ho ở huyện Lạc dương và nông dân ở huyện Cầu đất tỉnh Lâm đồng, nơi có điều kiện tự nhiên lý tưởng cho các loại cà phê Arabica giống cổ như Typica, Bourbon, Caturra và Catuai. Giống như nông dân ở Điện biên và Sơn la, nông dân ở khu vực Lâm đồng có thể sản xuất cà phê thóc ở quy mô hộ gia đình. Oriberry làm việc với các nhóm nông dân nhỏ, thực hiện hợp đồng sản xuất theo bộ nguyên tắc thực hành của Oriberry. Ở khu vực Tây nguyên, Oriberry mua sản phẩm cà phê Robusta chế biến ướt từ công ty Eapok và trong lúc khuyến khích nông dân trồng Robusta cải thiện phương pháp chế biến.
Vùng: Cư M'gar, Daklak và Cầu đất, Đà Lạt
Giống: Robusta và Arabica
Rang: Robusta đậm, Arabica đậm vừa
Vị êm, dư vị ngọt, hương thơm nhẹ nhàng
Giống: Arabica Catimor
Rang: Đậm vừa
Vị cân bằng, nhẹ nhàng, thơm ngọt kiểu trái cây khô, hạt, vị ngọt tự nhiên